Bù dẻ lá lớn có tác dụng trừ phong thấp, bổ gân cốt
Bù dẻ lá lớn ở nước ta, cây mọc hoang ở bìa rừng, tới độ cao 700, từ Bắc Thái, Hà Tây qua Quảng Trị, các tỉnh Tây Nguyên đến Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang.
Bù dẻ lá lớn, Nam kỳ hương, Dất lông – Uvaria cordata (Dunal) Wall. ex Alston (U. macrophylla Roxb.), thuộc họ Na -Annonaceae.
Mô tả:
Cây bụi leo hay dây leo cao 5-6m; cành non có lông hung đỏ. Lá hình trứng ngược, gốc hình tim, chóp nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có nhiều lông hung đỏ.
Hoa mọc thành cụm 2-4 cái, đối diện với lá, hay ở ngọn. Mỗi hoa có 3 lá dài; 5 cánh hoa đều có lông ở cả hai mặt; nhị nhiều; lá noãn nhiều, có lông, khi chín hình tròn, bóng nhẵn, chứa 8-10 hạt.
Hoa tháng 6-8.
Bộ phận dùng:
Lá và rễ – Folium et Radix Uvariae Cordatae.
Nơi sống và thu hái:
Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Malaixia, Xrilanca, Inđônêxia và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở bìa rừng, tới độ cao 700, từ Bắc Thái, Hà Tây qua Quảng Trị, các tỉnh Tây Nguyên đến Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang. Thu hái lá và rễ quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng:
Rễ có vị cay, đắng, tính bình; có tác dụng trừ phong thấp, bổ gân cốt. Lá có vị nhạt, hơi thơm, tính bình; có tác dụng tán ứ tiêu thũng, ngừng ho.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Thường dùng trị:
- Khó tiêu, đầy bụng, ỉa chảy;
- Phong thấp, lưng gối mỏi, chấn thương, bị thương.
Liều dùng 15-20g rễ hoặc 10-15g lá, dạng thuốc sắc. Lá có thể dùng tươi giã đắp hoặc phơi khô tán bột dùng rịt. Đồng bào Tây Nguyên thường dùng lá làm men chế rượu.